Tỷ giá AUD/USD rốt cuộc đã tăng trở lại, giao dịch ở mức 0,6730, sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, qua đó đẩy lãi suất cơ bản từ 2,85% lên 3,10%.
AUD/USD tăng trở lại sau khi RBA nâng lãi suất
Như vậy, sau 8 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 5/2022, tổng mức thắt chặt chính sách tiền tệ của RBA đã tăng lên 3 điểm %. Động thái mới này hoàn toàn phù hợp với dự báo được các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của Bloomberg.
Trước đó, một bộ phận thị trường đã nghiêng về khả năng RBA sẽ chỉ thực hiện đợt tăng lãi suất thêm 0,15 điểm %, để đưa lãi suất cơ bản về mức 3,00% – một con số đẹp. Tuy nhiên, giới chức RBA từng chỉ ra rằng, đây không phải là vấn đề họ quan tâm trong quá trình hoạch định chính sách.
Xem thêm: AUD/USD có thể đảo chiều giảm vì các dữ liệu yếu của kinh tế Trung Quốc
Thị trường tiền tệ hiện đang chịu nhiều tác động từ các tín hiệu trái chiều về lạm phát tại Australia. Hồi tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia (Australia) đã lần đầu tiên công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng, cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 7,6%.
Kết quả này hoàn toàn trái ngược với một báo cáo trước đó cho thấy áp lực về giá vẫn đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo này, tỷ lệ lạm phát tại Australia trong quý III đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo 7% và mức 6,1% trong quý II.
Đáng chú ý, trong Tuyên bố Chính sách Tiền tệ (MPS) được RBA công bố trong ngày hôm nay, chỉ số CPI hàng tháng đã được trích dẫn và ghi nhận là quá cao. Giới chức RBA hiện vẫn duy trì quan điểm rằng, lạm phát tại Australia sẽ đạt đỉnh 8% vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, các quan chức cũng bày tỏ quan điểm có phần lạc quan rằng, lạm phát cao hiện nay chỉ mang tính nhất thời.
Cuộc họp chính sách ngày hôm nay cũng sẽ là lần họp cuối cùng của RBA trong năm 2022. Ngân hàng trung ương này sẽ chỉ nhóm họp trở lại vào tháng 2 năm sau. Khoảng cách dài giữa hai lần họp cũng được coi là một phần nguyên nhân thúc đẩy RBA tăng lãi suất để đảm bảo khả năng kiềm chế lạm phát.
Xem thêm: Chuyên gia luận bàn 2022: Apple là cổ phiếu nên mua hay nên tránh?
Trong một diễn biến khác, ba giờ trước khi RBA tăng lãi suất, ABS đã công bố số liệu tài khoản vãng lai quý III, cho thấy mức thâm hụt 2,3 tỷ AUD – lần thâm hụt đầu tiên kể từ quý I/2019. Thặng dư thương mại của nền kinh tế Australia đã được bù đắp bằng mức thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục, chủ yếu là do cổ tức mà các công ty khai thác khoáng sản trả cho các thực thể tại nước ngoài.
Đồng dollar Australia (AUD) gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế. Phản ứng của thị trường sau những tuyên bố hồi tuần trước của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã khiến AUD/USD ghi nhận xu hướng tăng. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, những lo ngại về khả năng FED có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ do thị trường việc làm vẫn còn nóng, đã làm đảo ngược diễn biến giá của nhiều loại tài sản, khiến tỷ giá AUD/USD sụt giảm.
Sắp tới, cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED vào ngày 14/12 sẽ là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tỷ giá AUD/USD. Những bình luận của giới chức FED sẽ là trọng tâm cho sự thay đổi trên một số thị trường.
Xem thêm: Các dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến tại Anh hỗ trợ GBP/USD
Thanh Hiệp