Tôi từng rớt “Đáy” vì đầu tư chứng khoán
Tác giả kiêm diễn giả nổi tiếng Anthony Robbins đã nói: "Tình hình tài chính hiện tại của một người là sự phản ánh chính xác niềm tin của chính anh ta". Bạn tin không, hồi 18 tuổi câu nói này đã ám ảnh tôi mỗi đêm.
Đợt ấy, gia đình tôi vốn không có điều kiện, chẳng được dư giả như người ta, cũng may thay tôi học giỏi. Tôi đậu Đại học Bách Khoa Hà Nội, là ngôi trường mà biết bao người từng mơ ước được đặt chân tới. Đúng thế, tôi chính là niềm tự hào của cả gia đình tôi, cả họ hàng nhà tôi nữa. Bởi vậy, khi biết tin tôi trúng tuyển, tất cả anh em họ hàng đều hứa sẽ hỗ trợ bố mẹ lo cho tôi ăn học đàng hoàng. Hồi đó, khoảng 2011, nhà nào có con đậu đại học là cả họ ăn mừng chứ đùa. Nhà tôi ở tỉnh lẻ, cách thành phố tầm 300km, nhưng bác họ tôi lại có nhà ở Hà Nội ngay đường Đại Cồ Việt, và thế là tôi được ở ké.
Ai cũng nói, những năm tháng đại học là quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp nhất, chắc trừ tôi ra haha. Những năm đầu đại học tôi vẫn ngoan ngoãn dưới sự quản lý của nhà bác tôi. Mỗi ngày trôi qua, thời gian biểu của tôi chỉ là ăn cơm, lên trường, về nhà nhốt mình trong phòng chơi game, thường xuyên nghe gia đình bác lục đục chuyện tài chính, tôi chỉ có thể lờ đi.
Thời gian sau đó, tôi không còn hứng thú với game nữa, tôi chuyển qua nghiên cứu chứng khoán, tôi không nhớ nổi lý do tìm đến chứng khoán là gì nữa, chắc hồi đó khao khát làm giàu dữ lắm :)) Nói thì nói thế, chứ một thằng sinh viên đại học ăn không, ở ké như tôi thì làm gì có tiền để chơi à nhầm để đầu tư chứng khoán =)). Thế là tôi xin bác cho đi làm thêm, để trang trải chút tiền sinh hoạt phụ gia đình. Tôi bắt đầu quần quật làm từ sáng tới khuya, vừa đi học, vừa đi làm, nhiều hôm còn cúp học để đi làm, chỉ vì khao khát kiếm đủ số tiền tôi dự định để đầu tư. Công việc cố định của tôi là làm part-time phục vụ ở quán cafe, việc phụ thì nhiều lắm, chạy grab, giao hàng,.. đủ cả.
Cuối năm 3, tôi đủ vốn và bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình. Bằng tất cả niềm tin, hy vọng, vốn kiến thức mà tôi đã tích lũy mỗi đêm, từ hồi tôi tò mò nghiên cứu thị trường chứng khoán, cuối cùng tôi mạnh dạn bỏ số vốn đầu tiên là 20tr. Tất nhiên, chả khác gì kịch bản mấy bộ phim bài bạc xã hội đen, khởi đầu của tôi vô cùng thuận lợi. Tôi không còn nhớ rõ tên sàn hay mã giao dịch tôi đặt cược hồi đó nữa, hình như là HNX, nhưng tôi chắc chắn số tiền lãi đầu tiên tôi kiếm được từ chứng khoán là 6 triệu. Hồi 2013, đó là số tiền lớn, và nó khiến tôi tự hào, gì chứ, công sức tự mày mò nghiên cứu của tôi cả. Kể từ đó, tôi lao đầu vào đầu tư với số tiền ngày một lớn hơn, chểnh mảng học hành, nợ môn liên tục.
Cảm giác nạp tiền vào tài khoản, theo dõi màn hình máy tính, đặt vài con lệnh rồi ngồi chờ nó nhảy số, kích thích vãii. Hồi này tôi còn đang trên đỉnh cao sự nghiệp mà, học hành, đi làm tôi gạt qua một bên. Nói vậy, chứ tôi vẫn mang cặp kèm laptop lên thư viện trường đều, để tránh bác tôi nghi ngờ :)))
Điểm chung giữa cuộc đời tôi với biểu đồ trong chứng khoán lúc ấy là có đỉnh thì cũng có đáy. Đúng vậy, sau hơn 2 năm leo đỉnh, cuối cùng tôi chính thức rớt xuống đáy, vào năm cuối đại học. Vào khoảnh khắc mọi người đua nhau làm đồ án tốt nghiệp, tôi một lần nữa chìm trong câu nói của Anthony Robbins: "Tình hình tài chính hiện tại của một người là sự phản ánh chính xác niềm tin của chính anh ta". Lần này, cái đáy của tôi thực sự đen tối, tôi thua lỗ gần 300tr, rớt môn quá nhiều, không đủ điều kiện để làm đồ án tốt nghiệp. Lúc đó niềm tin của tôi sụp đổ hoàn toàn, mỗi đêm thứ tôi nhìn thấy là biểu đồ nến ngập tràn sắc đỏ.
Cũng vào năm đó, ông bác họ biết tôi nợ môn, thua lỗ chứng khoán, cũng may đó là số tiền tôi tự kiếm được để đầu tư chứ ko phải tiền vay nặng lãi. Bác vỗ vai tôi cười, rồi nói: ”Cày nốt rồi ra trường, tao dắt mày đi làm lại từ đầu” Hóa ra cái hồi tôi mới lên Đại học nhà bác suốt ngày gây nhau vụ tiền bạc là do bác rót vốn vào chơi chứng khoán. Sau này, tôi theo bác học hỏi, và tích lũy cho mình rất nhiều bài học đắt giá, vì lười viết nên tôi chỉ nêu một vài sai lầm kinh điển mà anh em cần biết và tuyệt đối đừng sa vào nhé:
Đầu tư theo kiểu hiểu biết nửa vời
Tại sao tôi nhắc đến nó đầu tiên ? Các bạn biết đấy, trong cái ”đáy” đầu đời của tôi hồi 2016, sự hiểu biết nông cạn về thị trường chứng khoán đã đánh bại tôi không chút nương tay. Tôi có tìm hiểu, có phân tích thị trường như những nhà đầu tư thông thái, những tỷ phú đầu tư vẫn hay khuyên trên tivi. Nhưng tôi chỉ giỏi trong thế giới nhỏ bé của tôi thôi, thị trường lớn ngoài kia người ta phân tích khác. những số liệu mà tôi tìm hiểu được đa phần là những con số ảo, một thằng trùm mọt sách như tôi làm sao biết đo lường thế nào thì chuẩn xác. Bởi vậy, khuyên thật những anh em đang mày mò nghiên cứu và tin vào sự hiểu biết nửa vời của mình thì phải dừng lại ngay nhé. Hãy tìm cho mình một vài đồng đội, hoặc chỉ cần 1 người thầy đủ giỏi (như bác tôi) là đủ nha. Tin tưởng vào bản thân là tốt, nhưng trong giao dịch chứng khoán, hãy chỉ tin khi có đủ bằng chứng, con số xác thực, khi phán đoán của bạn chuẩn logic kỹ thuật.
Không xác định được khoảng cắt lỗ
Hồi trước, tôi cũng có đọc được nhiều thông tin trên mạng rằng phải cắt lỗ trong khoảng an toàn, tốt nhất là tầm 7%. Nhưng bạn tin không, tôi bị cuốn vào những đường kẻ, những con số nhảy lên nhảy xuống thất thường, và tôi bị cuốn vào niềm tin là những con số màu xanh đó sẽ trở lại. Vậy là tôi sập bẫy.
Một nguyên tắc trong đầu tư mà bạn phải biết, là đừng bao giờ để lỗ quá sâu. Đừng để giá trị đồng tiền của bạn bị “rớt giá”, phải biết xót tiền, càng là người mới chơi thì càng phải biết “xót của” và nhớ cắt lỗ ở điểm an toàn nhé, tôi nhắc lại 1 lần nữa là 7%.
Nếu bạn là nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm, có thể bạn đã có những tính toán khác, chúng ta sẽ bàn sâu hơn ở phần khác, còn ở đây cắt lỗ ở mức an toàn mới đúng kỹ thuật trong giao dịch chứng khoán nhé các bác.
Không biết quản lý cảm xúc trong giao dịch chứng khoán
Có thể lúc mới chơi, các bạn cũng giống tôi, tin tưởng tuyệt đối vào những phán đoán cá nhân của mình. Tôi của ngày xưa vì lí do này mà trượt dốc không phanh, vậy nên anh em đừng theo tôi. Anh em phải tin tưởng vào logic, vào biểu đồ, vào số liệu, vào các nhà phân tích.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương có câu: “Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công”, và trong đầu tư chứng khoán câu nói đó vẫn luôn đúng.
Cuối cùng, hi vọng câu chuyện và những trải nghiệm của tôi có thể giúp anh em có thêm kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Ngoài ra anh em có thể xem thêm câu chuyện kinh nghiệm của Trader trên trang: https://hocchoitrading.net/cau-chuyen-kinh-nghiem/
Chúc anh em có thật nhiều trải nghiệm thú vị trong đầu tư nhá.
Giống trường hợp của mình quá. Đúng là phải có vấp ngã mới đứng dậy được. Ae nên đọc để rút kinh nghiệm nha.
Tôi cũng cháy tài khoản đây nè
Phải thất bại vài lần thì mới thành lão làng trong nghề trading được haha
Thì kiểu mới chơi ai cũng có máu háo thắng, cứ tưởng ngồi vài tiếng canh con chart là lời to rồi, giàu tới nơi rồi! Ai mà ngờ, đó chính là điểm yếu chết người vì quá tự tin.