Học chơi trading – Trong phiên giao dịch ngày 9 tháng 3, dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp do lo ngại về tác động kinh tế của việc tăng lãi suất bù đắp cho sự sụt giảm kho dự trữ bất ngờ của Mỹ và hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc.
Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp

Nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell trong tuần này về khả năng tăng lãi suất mạnh mẽ hơn so với dự kiến trước đó để đáp ứng các tín hiệu kinh tế mạnh mẽ gần đây, đè nặng lên giá dầu và các tài sản rủi ro tiềm ẩn.
Cụ thể, dầu thô Brent giảm 34 xu, tương đương 0,4%, xuống 82,32 USD/thùng vào lúc 16h02 giờ Việt Nam trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 11 xu xuống 76,55 USD. Cả hai điểm chuẩn đều giảm từ 4% đến 5% trong hai ngày trước đó.
Tamas Varga của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Những lo ngại về suy thoái đang gia tăng rõ rệt. Giá dầu hôm thứ Ba ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 1 sau bình luận của Powel.
Suvro Sarkar, nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại Ngân hàng DBS, cho biết: “Giá dầu vẫn chịu ảnh hưởng từ giọng điệu diều hâu của ông Powell, đồng thời chỉ ra khả năng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản.”
Tuy nhiên, vẫn có một số thông tin hỗ trợ cho giá dầu là tồn kho dầu thô của Mỹ, đã giảm 1,7 triệu thùng vào tuần trước, kết thúc chuỗi 10 tuần tăng. Trước đó, Reuters khảo sát kho dự trữ tăng 400.000 thùng.
Dầu cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng về nhu cầu gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà phân tích chỉ ra rằng việc tăng tốc nhập khẩu trong tháng 2 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19.
Trong bối cảnh đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng, hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời mới ở Mỹ đã giảm 16% xuống còn 20,2 gigawatt (GW) vào năm 2022 so với năm trước, phần lớn là do lệnh cấm đối với một số hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể, các lệnh cấm đã tập trung vào các tấm pin năng lượng mặt trời.
Báo cáo hàng quý của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời và công ty nghiên cứu Wood Mackenzie đã sửa đổi các ước tính trước đó cho năm và dự đoán thị trường sẽ phục hồi trên diện rộng khi ngành năng lượng mặt trời của Mỹ có thể hưởng lợi từ luật khí hậu mới và chuỗi cung ứng tại chỗ.
Michelle Davis, nhà phân tích chính của Wood Mackenzie cho biết: “Mặc dù năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành năng lượng mặt trời, nhưng chúng tôi kỳ vọng một số vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt, thúc đẩy tăng trưởng của năng lượng này trong năm 2023 lên 41%.”
Báo cáo cho biết, việc lắp đặt năng lượng mặt trời ở quy mô tiện ích đã giảm khoảng một phần ba so với năm trước xuống còn 11,8 gigawatt, mức thấp nhất kể từ trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự điều chỉnh tăng chung của năm ngoái là kết quả của nhiều dự án quy mô tiện ích sẽ đi vào hoạt động vào quý cuối cùng của năm 2022 so với dự kiến.
Báo cáo dự báo tăng trưởng ổn định, trung bình là 19% một năm, cho đến năm 2027.
Báo cáo cho biết, một yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển đó là sự gia tăng sản xuất tấm pin mặt trời ở Mỹ, với sản lượng dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lên 25 GW so với mức hiện tại vào cuối năm nay.
Báo cáo cho biết, Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden, được thông qua vào năm ngoái, cũng đã giúp ổn định triển vọng tài chính cho năng lượng mặt trời, bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo.
Việc dự trữ sẵn các tấm pin mặt trời sẽ thúc đẩy hoạt động lắp đặt trong năm nay, sau khi các dự án bị chậm lại do các hạn chế của Mỹ đối với các tấm pin mặt trời từ Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về vấn đề lao động.
Reuters mới đây ghi nhận rằng việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời của Trung Quốc vào Mỹ đang tăng lên sau nhiều tháng bế tắc do luật bảo vệ người lao động.
Trong khi đó, Đức có kế hoạch cung cấp cho ngành công nghiệp một khoản tiền trị giá hai tỷ euro để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang quá trình sản xuất bền vững.
Theo cơ chế, được gọi là “hợp đồng carbon cho sự khác biệt”, nhằm mục đích chuyển đổi nguồn năng lượng được sử dụng trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng từ nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo và hydro, các công ty có thể đủ điều kiện nhận trợ cấp nếu họ giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Bộ Kinh tế Đức cho biết các công ty lớn, sử dụng nhiều năng lượng, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp.
Tuyên bố cho biết một mô hình mới theo tầng giúp tạo ra điện giá rẻ được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn cho ngành công nghiệp đang được triển khai.
Để giúp người tiêu dùng tư nhân làm chủ việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Bộ có kế hoạch thiết lập một chương trình trị giá hàng tỷ euro nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng mặt trời vào thứ Sáu tuần này sẽ giúp thúc đẩy việc dành thêm đất cho các hệ thống quang điện và mặt trời.
Hoa Nguyễn – Theo reuters.com