Lãi suất là một công cụ chính sách tiền tệ quan trọng. Nó được đưa ra bởi Ngân hàng trung ương hoặc chính phủ qui định. Các ngân hàng hạ lãi suất khi họ muốn tăng hoạt động kinh tế trong nước, tăng cả đầu tư và tiêu dùng. Lãi suất cũng có ảnh hưởng tới giao dịch tiền tệ và là yếu tố căn bản đầu tiên một nhà giao dịch forex cần chú ý. Hãy cùng theo dõi những lý do vì sao qua bài phân tích sau.
Khái niệm lãi suất
Lãi suất do Ngân hàng Trung ương hoặc các chính phủ quy định và là một công cụ chính sách tiền tệ rất quan trọng. Quan trọng nhất là, lãi suất có liên quan chặt chẽ đến lạm phát và thất nghiệp- những yếu tố quyết định sức khoẻ của nền kinh tế, và từ đó quyết định tới cả tỷ giá tiền tệ.
Lãi suất hoạt động theo cách nào?
Khi một nền kinh tế trì trệ, sức mua kém, sản xuất và xuất khẩu cũng yếu kém, ngân hàng trung ương của một quốc gia sẽ tiến hành giảm lãi suất để “tiền rẻ” hơn, khiến việc cho vay trở nên hấp dẫn hơn, kích cầu mua sắm và sản xuất.
Ví dụ trong nhiều năm Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã duy trì mức lãi suất bằng 0 để khuyến khích các doanh nghiệp vay bằng đồng EUR. Hay Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng có chính sách tương tự để tránh tình trạng giảm phát, khi các doanh nghiệp không kinh doanh, các nhà máy không sản xuất và nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng yếu kém.
Ngược lại, khi một ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất, nó có thể dẫn đến hoạt động kinh tế yếu đi.
Ví dụ ngày 27/7 vừa qua, Fed quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD với mức 0,75%. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng Fed đã nâng lãi suất với mức cao, đưa lãi suất hiện tại của nền kinh tế lên mức 2,25-2,5% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2018). Ngoài ra, Fed có thể tăng thêm một đợt lãi suất 0,75% vào cuối năm 2022. Dự báo, lãi suất tham chiếu của Fed có thể tăng lên mức 3,1-3,6% vào cuối năm nay và 3,6-4,1% vào cuối năm 2023.
Nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm 2 quý liên tiếp nhưng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát.
Lãi suất ảnh hưởng tới giao dịch ngoại hối như thế nào?
Khi lạm phát tăng quá cao, các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất để làm chậm lại hoạt động vay nợ, đồng thời cũng để hạ tỷ lệ lạm phát.
Ảnh hưởng đầu tiên có thể thấy là lãi suất cao ảnh hưởng đến chi phí đi vay của các ngân hàng. Đối tượng gánh chi phí ấy đầu tiên là cách doanh nghiệp và thậm chí là chính phủ ở một số quốc gia. Ngược lại, những người gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lợi từ lãi suất tăng. Tuy nhiên có một thực tế là là lãi suất tiết kiệm thường thấp hơn tỷ lệ lạm phát.
Chi phí đi vay ở mức cao sẽ làm chậm lại hoạt động vay nợ, dẫn đến đình trệ trong hoạt động kinh tế.
Lãi suất cao cũng ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ. Hiểu một cách đơn giản là lãi suất tăng khiến đồng nội tệ trở nên “đắt” hơn. Có một ví dụ nhãn tiền là sau khi FED tăng lãi suất, đồng USD đã tăng giá so với đồng EUR. Đồng bạc xanh có giá sẽ hỗ trợ nhập khẩu giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi về giá, song lại ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa Mỹ bán ra nước ngoài vì giá tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động.
ở chiều ngược lại, đồng EUR sẽ ở mức yếu hơn đồng USD. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí tăng cao, đặc biệt các doanh nghiệp nhập khẩu dầu, do giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của các nước này lại được hỗ trợ và sẽ hỗ trợ thị trường việc làm tại các nước này.
Bởi vậy việc FED tăng lãi suất sẽ khiến tỷ giá EUR/USD giảm khi đồng EUR yếu đi và đồng USD mạnh lên.
Xu hướng gần đây của cặp tỷ giá EUR/USD vẫn là giảm. Bởi lẽ tốc độ tăng lãi suất của ECB vẫn còn rất nhẹ nhàng so với sự quyết liệt của FED.
Trong phiên giao dịch ngày 5/8 trên thị trường châu Á, EUR/USD chạm mức thấp nhất trong ngày quanh mức 1,0235. Thậm chí EUR/USD có khả năng sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng 1,0200 trước khi rơi xuống và test mức thoái lui Fibonacci 23,6% tại ngưỡng 1,0145 của nhịp sóng giảm nối từ tháng 6 đến tháng 7.
Xem thêm
- Dầu giảm khoảng 3% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2022
- EUR/USD rút từ mức kháng cự dài 2 tháng lùi về hướng 1,0200
- Thị trường dầu mỏ quay đầu đi lên từ mức đáy 6 tháng
EUR/USD: Biểu đồ 4 giờ
Tuy nhiên việc tăng lãi suất là biện pháp “cực chẳng đã” và sẽ không kéo dài quá lâu bởi nó ảnh hưởng tới sức khoẻ của nền kinh tế khi hoạt động kinh tế giảm sút, nhu cầu tiêu dùng hạ thấp. Trong trường hợp của Mỹ, việc FED tăng lãi suất được dự kiến sẽ từ từ hạ nhiệt từ giờ tới cuối năm và FED sẽ giảm lãi suất trong năm sau khi nền kinh tế đã ổn định trở lại.
Khi giao dịch ngoại hối, các nhà đầu tư nên chú ý đến lãi suất của ngân hàng trung ương sở hữu đồng tiền ấy nhưng cũng chú ý tới cả lãi suất của các ngân hàng lớn khác. Ví dụ Việc Mỹ tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất đi vay dành cho các nền kinh tế mới nổi – những nước đang vay nợ nước ngoài, bởi bên cho vay sẽ yêu cầu khoản lợi nhuận cao hơn khoản mà họ có thể thu được từ hoạt động đầu tư an toàn hơn tại Mỹ, từ đó cũng thu hẹp nguồn quỹ cho vay.
Điều này có thể nhanh chóng làm cạn kiệt ngân sách của các thị trường mới nổi, vốn cũng đối mặt sức ép về giá cả năng lượng và chi phí nhập khẩu lương thực gia tăng do đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông Eric Dor, người đứng đầu chuyên ngành kinh tế thuộc trường Quản trị IESEG của Pháp, cho rằng biện pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát không được hoan nghênh tại các nước đang gặp nhiều khó khăn như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina hoặc Sri Lankam, bởi biện pháp này sẽ khiến giá cả mọi hàng hóa leo thang và khiến các dòng vốn đầu tư chảy vào Mỹ.
Điều này càng gây thêm khó khăn cho các nước đang vay nợ nước ngoài, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế và gián đoạn thị trường ở các nước này.