Các số liệu lạm phát cao hơn dự kiến tại Mỹ đã đẩy cặp tỷ giá USD/JPY quay trở lại vùng 145. Diễn biến này được dự báo có thể buộc giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải cân nhắc lại về chính sách tiền tệ.
Theo báo cáo vừa được công bố ngày thứ Ba tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 8 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 8,5% trong tháng 7, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức dự báo 8% của giới chuyên gia. Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm giá các mặt hàng có biến động cao như lương thực, thực phẩm và năng lượng) tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,9% trong tháng 7. Giá thực phẩm và tiền lương tăng cao là những yếu tố thúc đẩy đà đi lên của lạm phát tại Mỹ.
Với các số liệu lạm phát cao hơn mức kỳ vọng, thị trường dự đoán, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành tăng lãi suất thêm 1 điểm % trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần tới đã tăng từ 0% trước khi CPI được công bố, lên 33%. Khả năng FED nâng lãi suất lên mức 4,75% vào tháng 5 năm sau cũng đã tăng lên 36,1%.
Những lo ngại này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên ngày thứ Ba quay đầu lao dốc mạnh, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Chỉ số Nasdaq 100 mất hơn 5% giá trị, trong khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng lao dốc khoảng 4%. Tiếp nối đà giảm của Phố Wall, các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á cũng đồng loạt đỏ lửa trong phiên giao dịch sáng nay, và được dự báo sẽ duy trì xu hướng này trong cả ngày.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh cũng tăng giá trên diện rộng, so với các đồng tiền chủ chốt khác trong nhóm G10. Hầu hết các cặp đều đã tăng phạm vi biến động hàng ngày trên 200% so với mức trung bình. Một số cặp tỷ giá đã hình thành mô hình nến nhấn chìm trên khung hàng ngày.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và Nhật Bản đã đẩy cặp tỷ giá USD/JPY tăng lên, quay trở lại khu vực 145. Diễn biến này được dự báo có thể khiến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda phải cân nhắc lại lập trường về chính sách tiền tệ. Trong thời gian qua, BOJ, Bộ Tài chính và chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực phối hợp để hỗ trợ đồng yên. Tuy nhiên, kết quả đạt được là rất hạn chế, và một phần đến từ sự suy yếu của đồng USD.
Và kết quả này rất có thể sẽ không còn nhiều ý nghĩa, trong bối cảnh giới đầu tư tin tưởng rằng, FED sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất, qua đó nới rộng mức chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và Nhật Bản, khiến đồng USD ngày càng mạnh hơn nữa so với yên Nhật. Điều này được dự báo sẽ buộc giới hoạch định chính sách BOJ phải đưa ra những thay đổi để bảo vệ thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản, trước khả năng đồng nội tệ tiếp tục suy yếu.
Xem thêm
- Bitcoin hướng tới ngưỡng kháng cự quan trọng
- EUR/USD chững lại sau 3 ngày tăng liên tiếp
- Liệu Netflix có thể trở lại thành một cổ phiếu tăng trưởng?
USD/JPY: biểu đồ 1 giờ
Cặp tỷ giá USD/JPY đang có xu hướng bứt phá lên mức cao nhất kể từ năm 1998. Chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn đang được nới rộng, hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của đồng bạc xanh. Vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, là liệu thống đốc BOJ Kuroda sẽ hành động như thế nào?
Nhìn chung, 145 là một con số tròn, dễ thu hút sự chú ý và đồng thời cũng là mức đỉnh đảo chiều trước đó. Do vậy, cặp tỷ giá có khả năng ghi nhận một nhịp thoái lui ban đầu trước khi chuyển sang xu hướng tăng đột phá. Tuy nhiên, với việ thị trường đang ở giữa đà tăng, nhiều khả năng các bên liên quan, từ giới đầu tư, cho tới các quan chức Nhật Bản sẽ chỉ nhắm đến các con số tròn là đủ.