Cặp tỷ giá USD/JPY sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này, khi các nhà đầu tư chờ đợi những dự liệu kinh tế Nhật Bản. Các diễn biến liên quan đến các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến của cặp tỷ giá.
USD/JPY đối mặt với áp lực giảm sau quyết định của BOJ

Tại cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã khiến thị trường bất ngờ sau khi điều chỉnh chương trình đường cong lợi suất, động thái khiến đồng yen tăng vọt so với USD. Cụ thể, hiện tại 1 USD đổi đươc 133,12 yen, so với mức 1 USD đổi 137,16 yen ngay trước khi có thông báo.
Với quyết định mới nhất, BOJ đã cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng từ 0,25% lên khoảng 0,5%, nhằm tăng cường tính bền vững của chính sách tiền tệ nới lỏng. BOJ cũng giữ mục tiêu lãi suất không thay đổi ở mức khoảng 0% và để lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Cơ quan này cũng tuyên bố sẽ tăng đáng kể quy mô hoạt động mua trái phiếu lên 9 nghìn tỷ yen (67,5 tỷ USD) mỗi tháng so với mức 7,3 nghìn tỷ yen theo kế hoạch hiện tại.
Giới đầu tư hiện cũng đang chờ đợi những số liệu lạm phát của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Sáu tới. Các chuyên gia dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 11 sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,7% trong tháng 10. Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm giá lương thực thực phẩm và năng lượng) được dự báo ghi nhận mức tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,6% trong tháng 10. BOJ hiện vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong tương lai gần, và cố gắng giữ nguyên lập trường về chính sách nới lỏng.
Còn tại Mỹ, hồi tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %, qua đó đưa lãi suất chuẩn lên 4,5%, để ứng phó với tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Mặc dù mức tăng này thấp hơn so với 4 đợt tăng lãi suất trước đó của FED ở mức 0,75 điểm %, tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại vì Dự báo Kinh tế (SEP) của FED cho thấy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều dự báo, mức lãi suất sẽ được nâng lên 5,1% trong năm tới, thay vì mức 4,6% trong dự báo đưa ra hồi tháng 9.
Báo cáo này cũng chưa đề cập đến khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, bởi các quan chức đều giữ quan điểm, sẽ chỉ ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát được đưa về mức mục tiêu 2%. Việc FED tiếp tục tăng lãi suất được cho là sẽ khiến nền kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm tới. Sự lo ngại ngày càng gia tăng sau khi các số liệu mới công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái. Các báo cáo mới công bố gần đây cho thấy, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất theo khảo sát của S&P Global, chỉ số sản xuất của NY Empire State cho tới chỉ số sản xuất của FED chi nhánh Philadelphia đều ghi nhận kết quả không đạt kỳ vọng của giới chuyên gia, và thấp hơn so với kỳ trước đó.
Trên khung thời gian hàng ngày, USD/JPY đã tăng cao hơn kể từ ngày 11/03, sau khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, lạm phát cao sẽ không chấm dứt trong thời gian ngắn như kỳ vọng của giới hoạch định chính sách, và FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất. USD/JPY tăng cao hơn trong một kênh giá gọn gàng cho đến ngày 21/10, khi cặp tiền tệ này di chuyển lên trên kênh và đạt mức đỉnh trong năm là 151,94. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần thứ hai, đẩy tỷ giá USD/JPY trở lại vào trong kênh, chạm mức thấp nhất trong ngày ở ngưỡng 146,16. Kể từ đó tới nay, cặp tỷ giá đã di chuyển theo một kênh giá dốc xuống và hiện đang nằm ngay trên Đường trung bình động 200 ngày và đường xu hướng dốc lên từ ngày 02/12 ở gần mức 137,00.
Xem thêm
Trên khung thời gian 4 giờ, nếu USD/JPY tiếp tục giảm xuống, mức hỗ trợ đầu tiên là tại đường xu hướng tính đến ngày 02/12, gần mức 135,00. Dưới mức đó, USD/JPY có thể giảm xuống mức đáy của ngày 02/12 là 133,62, kế tiếp là mức thoái lui 50% của con sóng tính từ mức đáy ngày 04/03 lên mức đỉnh ngày 21/10 tại khu vực 133,30. Tuy nhiên, trong trường hợp USD/JPY có chiều hướng tăng cao hơn, mức kháng cự sẽ nằm ở đường xu hướng dốc xuống dài hạn bắt đầu từ ngày 21/10 gần mức 137,50, sau đó là mức cao nhất từ ngày 15/12 tại ngưỡng 138,13. Nếu USD/JPY di chuyển lên trên đó, mức kháng cự tiếp theo sẽ là mức cao nhất từ ngày 30/11 tại 139,89.
Cuộc họp chính sách mới đây của FED đã có xu hướng nghiêng về lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ, làm gia tăng khả năng ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tiến hành các đợt tăng lãi suất 0,75 điểm % trong thời gian tới. Tuy nhiên, với việc BOJ đã phát đi những tín hiệu về việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ trong thời gian tới, hoàn toàn có khả năng cặp tỷ giá USD/JPY sẽ tiếp tục bị đẩy xuống thấp hơn.
Thanh Hiệp – Học chơi trading