Giá vàng gặp khó khăn trong phiên giao dịch đầu giờ tại thị trường châu Á vào thứ Ba (18/7), khi các nhà giao dịch chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed vào tuần tới để biết manh mối về lộ trình thắt chặt tiền tệ của cơ quan này.
Cụ thể, vào lúc 8 giờ 10 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ít thay đổi ở mức 1.955,24 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 1.958,80 USD.
Đồng USD ổn định ở mức 99,88, tuy nhiên vẫn giao dịch gần mức thấp nhất vào tháng 4/2022 là 99,58.
Các thị trường hiện đang định giá một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp ngày 25-26 tháng 7 của Fed, với việc cắt giảm lãi suất có thể kéo dài đến năm 2024. Chủ tịch Fed Jerome Powell trước đó đã nhấn mạnh quan điểm của đa số quan chức là cần có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa.
Trong khi đó, Thống đốc Fed Christopher Waller cũng đã đưa ra quan điểm về chính sách chặt chẽ hơn trong nhận xét cuối cùng của ban lãnh đạo ngân hàng trung ương trước khi tạm dừng các bình luận trước cuộc họp tháng 7 vào tuần tới.
Phát biểu với Bloomberg TV hôm 17/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jan Hatzius, cho biết ngân hàng đang hạ xác suất suy thoái kinh tế của Mỹ, vốn sẽ bắt đầu trong 12 tháng tới xuống 20% so với dự báo 25% trước đó.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm chạp trong quý 2, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để củng cố hoạt động kinh tế.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 24,83 USD/ounce, bạch kim ít thay đổi ở mức 976,07 USD trong khi palladium tăng 0,1% lên 1.284,91 USD.
Dự báo giá vàng
Vàng đã phục hồi đáng kể và tăng khoảng 1,55% vào tuần trước sau khi dữ liệu chỉ số giá sản xuất PPI và lạm phát tháng 6 của Mỹ gây bất ngờ với xu hướng giảm. Tuy nhiên, đà phục hồi của vàng đã bắt đầu suy yếu, với giá giảm nhẹ và cố gắng duy trì trong hai phiên giao dịch gần đây.
Với dự báo lãi suất luôn thay đổi, điều quan trọng là phải theo dõi dữ liệu sắp tới để hiểu rõ hơn về lộ trình chính sách tiền tệ. Hiện giới đầu tư đang chú ý đến doanh số bán lẻ tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày 18/7.
Theo ước tính đồng thuận, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 6, sau khi tăng 0,3% trong tháng 5. Tiêu dùng hộ gia đình là động lực chính của GDP, vì vậy việc suy yếu hay tăng trưởng của báo cáo sẽ cung cấp manh mối quan trọng về lộ trình tiếp theo.
Nếu người tiêu dùng Mỹ vẫn ổn định chi tiêu, hoạt động kinh tế có thể sẽ mạnh hơn dự kiến, và khả năng có thể có một đợt tăng 25 điểm cơ bản khác trong tháng 9 và việc tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Đây chính là rủi ro cốt yếu đối với giá vàng.
Mặt khác, nếu chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, thì vàng có thể có nhiều dư địa hơn và ít trở ngại để tiếp tục phục hồi, vì kịch bản này có thể dẫn đến triển vọng chính sách tiền tệ ‘ôn hòa’ hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất từ ngân hàng Đức Commerzbank, thị trường vàng vẫn đang mắc kẹt quanh mức 1.950 USD/ounce trong mùa hè do Fed chưa hoàn tất việc tăng lãi suất.
Theo nghiên cứu này, các chính sách tiền tệ “diều hâu” của Fed vẫn là yếu tố chi phối vàng trong thời gian tới. Mặc dù đã hạ mục tiêu giá trung bình trong quý 3, nhưng Commerzbank vẫn cho rằng giá sẽ đẩy trở lại mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay.
Phân tích kỹ thuật giá vàng
Từ triển vọng kỹ thuật, nếu vàng tiếp tục phục hồi, mức kháng cự ban đầu sẽ xuất hiện ở mức 1.975 USD. Việc xóa mức trần này có thể mở ra cơ hội chuyển sang mức tâm lý 2.000 USD. Ngược lại, nếu vàng kéo dài đợt giảm giá gần đây, thì mức hỗ trợ đầu tiên cần xem xét nằm ở 1.895 USD, mức thoái lui Fib 38,2% của đợt phục hồi tháng 9 năm 2022/tháng 5 năm 2022. Khi suy yếu hơn nữa, trọng tâm sẽ chuyển sang đường trung bình động đơn giản 200 ngày gần 1.872 USD.
Như Mai